Có một con số đáng chú ý, đó là số khách đăng ký tham gia Hội chợ quốc tế Đồ gỗ và mỹ nghệ xuất khẩu được tổ chức đầu tháng 3/2019 tại TP.HCM tăng hơn 50% so với năm 2018. Hội chợ quy tụ 2.000 gian hàng của hơn 500 doanh nghiệp đến từ hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Song điều quan trọng hơn cả những con số, theo đại diện HAWA, đó là việc hội chợ được đánh giá là sự kiện quan trọng bậc nhất của ngành gỗ của khu vực Đông Nam Á này đã chuyển địa điểm tổ chức từ Singapore sang Việt Nam. Lý do là bởi, Hội chợ được tổ chức tại Singapore chỉ có thế mạnh về thương mại, chứ không có điều kiện tổ chức cho khách hàng đi thăm các cơ sở sản xuất. Trong khi đó, khi tổ chức tại TP.HCM, nếu các đối tác nước ngoài có nhu cầu tham quan các nhà máy, xưởng sản xuất để tìm hiểu, ký kết đơn hàng, thì có thể di chuyển đến Bình Dương, Đồng Nai, khá gần và thuận lợi.
“Ngành gỗ Việt Nam là một trong những ngành đạt giá trị xuất khẩu lớn nhất trong năm qua và ngày càng có vị thế cao trên thị trường thế giới”, đại diện của HAWA nhìn nhận và cho rằng, trong năm nay, nhu cầu tiêu thụ đồ nội thất trên thế giới được dự báo tiếp tục tăng, do đó, nếu doanh nghiệp tận dụng tốt các lợi thế, thì khả năng bứt phá sẽ khá cao.
Thay đổi để đón cơ hội
Theo các chuyên gia, trong số các FTA, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ mang lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp ngành gỗ thúc đẩy xuất khẩu nhờ các hàng rào thuế quan được gỡ bỏ, thị trường mở rộng, từ đó giúp sản phẩm gỗ Việt Nam tiếp tục thâm nhập sâu hơn vào thị trường các nước tham gia CPTPP. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sẽ có thể mua máy móc, thiết bị và công nghệ từ các quốc gia phát triển thuận lợi hơn, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh…
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo, nguyên liệu đầu vào của ngành gỗ phải đảm bảo nghiêm ngặt về quy tắc xuất xứ, phải đạt yêu cầu chứng nhận về nguồn gốc gỗ hợp pháp mới được hưởng những ưu đãi từ CPTPP.
Trên thực tế, phần lớn nguyên liệu gỗ cho sản xuất đồ gỗ xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay hoặc không thuộc các nước trong khối CPTPP hoặc đến từ những khu vực có rủi ro pháp lý cao. Nếu bị điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp, thì ngành gỗ Việt Nam có thể phải chịu mức thuế suất nhập khẩu rất cao và rủi ro hàng hóa bị kiểm soát chặt chẽ hơn.
Ông Khanh cho rằng, bên cạnh việc đảm bảo nguồn gỗ “sạch”, đã đến lúc doanh nghiệp Việt cần thay đổi tư duy, thay vì chỉ gia công, phải chuyển đổi sang xây dựng thương hiệu riêng cho mình. Theo ông, khi nước ta tham gia CPTPP, ngành gỗ sẽ có thay đổi mạnh mẽ, bắt đầu từ sự dịch chuyển sản xuất từ các nước đến Việt Nam, kèm theo nhiều cơ hội về thị trường đầu tư tài chính, thương mại, thiết kế, nguyên liệu, thiết bị, marketing… Do đó, doanh nghiệp Việt phải thay đổi, nâng cao năng lực hơn nữa để đáp ứng những yêu cầu mới.